Mảng truyền hình thực tế dành cho đối tượng thiếu nhi được nhà đài khai thác cách đây khá lâu như Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Trẻ em luôn đúng. Những chương trình này được đánh giá cao về tính giáo dục, cung cấp kiến thức cũng như rèn luyện khả năng tư duy của con trẻ.
Tuy nhiên, các sân chơi này bị cho là thiếu tính giải trí – yếu tố quan trọng thu hút khán giả theo dõi nên chỉ được thực hiện cầm chừng, phát vào khung giờ xấu nên không thể tồn tại bền bỉ.
Cùng với sự thoái trào của game show, các công tỷ sản xuất đổ xô vào lĩnh vực truyền hình thực tế bùng nổ như một hệ quả tất yếu. Và các cuộc thi khai thác tài năng nhí không thể nằm ngoài dòng chảy này.
Từ Đồ Rê Mí tới Giọng hát Việt nhí
Nói tới các chương trình thực tế cho thiếu nhi phải kể đến Đồ Rê Mí ra mắt vào năm 2007. Lần đầu tiên, một chương trình ca hát dành cho trẻ em được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, quy tụ các thí sinh chất lượng cùng nhau thể hiện tài năng để chinh phục ngôi quán quân.
Đa phần các ý kiến của phụ huynh về chương trình đều tích cực. Tuy nhiên, trong những năm về sau, dưới áp lực đổi mới để phù hợp thị hiếu khán giả, Đồ Rê Mí gây ra vài tranh cãi xung quanh việc trang phục, kiểu tóc, trang điểm của thí sinh không phù hợp. Những màn khóc lóc sướt mướt khi bị loại cũng gây nhiều luồng ý kiến.
Giai đoạn từ năm 2013 mới thực sự là thời của các chương trình truyền hình phiên bản nhí. Sau Đồ Rê Mí, công ty Cát Tiên Sa mua bản quyền The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí) để sản xuất từ năm 2013.
Chương trình lập tức gây ra tiếng vang lớn ngoài sức mong đợi, rating cao, giá quảng cáo đánh bại mọi sân chơi dành cho thí sinh người lớn diễn ra song song. Những cái tên Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Ngọc Duy có độ hot không kém các ngôi sao trưởng thành.
Đồ Rê Mí - chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em tại Việt Nam. Ảnh: VTV |
Truyền hình thực tế nhí và 3 năm “làm mưa làm gió”
Thừa thắng xông lên, The Voice Kids liên tục được tổ chức các mùa 2, 3 trong các năm tiếp theo. Dù mùa 3 được đánh giá không còn hấp dẫn như trước, thí sinh được đào tạo trong các “lò luyện” từ nhỏ nên không có chất riêng. Tuy nhiên, đơn vị sản xuất vẫn mạnh tay thực hiện tiếp mùa 4 với sự đổi mới của dàn giám khảo trẻ.
Sóng truyền hình quốc gia còn chứng kiến sức hút giờ vàng của phiên bản nhí Bước nhảy hoàn vũ trong 2 mùa 2014, 2015. Các đơn vị sản xuất khác cũng nhanh chóng nhập cuộc. Công ty Sóng vàng có Gương mặt thân quen nhí (2014, 2015) lên sóng VTV3, Điền Quân thực hiện Người hùng tí hon (2015), Siêu nhí tranh tài của công ty Vietcom (2016).
Sau 7 mùa làm phiên bản người lớn, Vietnam Idol Kids do công ty BHD thực hiện cũng chuẩn bị lên sóng vào cuối tuần này. Chưa kể tới các cuộc thi như Vietnam’s Got Talent, Vũ điệu đam mê cũng có sự tham gia của các thí sinh nhí.
Như vậy, chỉ sau 3 năm kể từ The Voice Kids, số lượng các cuộc thi dành cho trẻ em tăng lên 6 chương trình, thay phiên nhau lên sóng đều đặn quanh năm. Dĩ nhiên, con số này cũng chưa thể dừng lại ở đây. Theo nhiều nguồn tin, công ty Cát Tiên Sa đang rục rịch tổ chức X Factor Kids, The Remix Kids. BHD sẽ có Vua đầu bếp nhí…
Dàn giám khảo của Vietnam Idol Kids mùa 1. Ảnh: BHD |
Dù có dấu hiệu bão hòa, nhưng thực tế các cuộc thi vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của các gia đình và con em của họ.
Trong 2 buổi tuyển sinh The Voice Kids mùa 4 tại khu vực TP HCM diễn ra vào ngày 12-13/3 vừa qua, số lượng thí sinh đến đăng ký không hề thua kém các cuộc thi dành cho người lớn, với khoảng 800 em tham dự.
Người hùng tí hon mùa 1 vừa kết thúc đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh đăng ký cho con em đi thi.
Trẻ em Việt không có nhiều lựa chọn?
Không chỉ tại Việt Nam, yếu tố thí sinh nhí cũng được khai thác khá mạnh mẽ tại nhiều quốc gia khác. Trong đó, Mỹ là nước đứng đầu thế giới về ngành công nghiệp tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trẻ em. Dù nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh chương trình này, nhưng các bậc phụ huynh đều hứng thú vì cho rằng đây là cách họ đầu tư cho tương lai của con.
Tương tự tại Pháp, 2 cuộc thi Mini Miss và Graines de Miss, được tổ chức hàng năm với số lượng thí sinh từ 6 đến 13 tuổi ở các thành phố khác nhau trong cả nước.
Mới đây, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc vào ngày 17/4 đưa ra văn bản chỉ đạo về việc hạn chế dẫn đến cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên, trong đó có 2 chương trình ăn khách Bố ơi, mình đi đâu thế?, Bố ơi trở lại. Trong văn bản ghi rõ “cần tăng cường hơn nữa quản lý các chương trình không có giá trị tích cực”.
Cơ quan này cho rằng, việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là điều phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Bố ơi, mình đi đâu thế Trung Quốc bị ngừng phát sóng. Ảnh: Weibo |
Trở lại các cuộc thi tại Việt Nam, thời gian qua, những ảnh hưởng của việc nổi tiếng và biết kiếm tiền từ sớm nhiều lần được đem ra bàn luận. Tuy nhiên, so về sự khắc nghiệt của nước bạn có lẽ không thể sánh bằng.
Xung quanh sự nở rộ các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam, ông Phan Quang Bình – chủ tịch công ty BHD cho biết lý do thực hiện Vienam Idol Kids nhằm giúp các em nhỏ có sân chơi đúng lứa tuổi, từ đó có thể qua đó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc. Chương trình cũng mong muốn đưa đến những bài học bổ ích để các thí sinh phát huy được khả năng âm nhạc dưới sự hỗ trợ của các nhạc sĩ, ca sĩ có kinh nghiệm.
Trước sự cạnh tranh của nhiều chương trình “đối thủ”, ông Bình bày tỏ quan điểm: “Chương trình tốt sẽ tạo cảm xúc cho người xem và khiến họ thích thú với những điều đó. Do vậy, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tạo ra một sân chơi bổ ích thay vì đơn thuần hướng đến việc tìm ra các nhân tố có khả năng trở thành các ngôi sao âm nhạc sau này”.
Ngoài các cuộc thi ca hát nhảy múa, trẻ em Việt Nam ít có cơ hội tham gia các sân chơi chuyên nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc nở rộ các cuộc thi cũng là điều tất yếu tại Việt Nam khi trẻ em không có nhiều sân chơi chuyên nghiệp để thể hiện tài năng, đam mê. Thanh Bùi từng chia sẻ cần tạm ngừng các chương trình truyền hình thực tế để các em có thời học hỏi cơ bản, định hướng bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là điều khó có thể thay đổi một sớm một chiều khi không phải gia đình cũng có điều kiện đưa con em họ đi học bài bản tại các trung tâm lớn với mức học phí "khủng".
Và dĩ nhiên, chỉ đến chương trình truyền hình này, các em mới có thể được đứng trên sân khấu lớn, được gặp gỡ những chuyên gia, được nhảy múa ca hát theo ý mình. Khi chưa thể mang đến cho các em quá nhiều sự lựa chọn, liệu việc dẹp bỏ có phải là lựa chọn sáng suốt?
Xét cho cùng, khi các gia đình vẫn có nhu cầu đưa con mình đi thi, khán giả vẫn có cảm hứng theo dõi các cô cậu bé dễ thương ca hát nhảy múa, nhãn hàng vẫn có thể quảng bá được thương hiệu của họ, nhà sản xuất không dại gì để giết chết “con gà đẻ trứng vàng” của mình.
PHÒNG THU ÂM FAN STUDIO
Địa chỉ: 243 Tô Hiến Thành, P.13, Q.10, Tp.HCM
Tel: (08) 6299 7418 | Hotline: 0902 559 066
Email: info@fanstudio.com.vn
Liên hệ online trên facebook: Facebook.com/Fan Studio
Tham khảo thêm:
⇒ Bảng Giá Phòng Thu Âm Chuyên Nghiệp FAN STUDIO
⇒ Hình Ảnh 4 Phòng Thu & Hoạt Động Trên Facebook
⇒ Các Dịch Vụ Đa Dạng & Đặc Biệt Tại FAN STUDIO
⇒ Giọng Ca Hàng Tuần Tại FAN STUDIO