’Trần Lập ghi tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam’

  •   "Trần Lập kết thúc công việc của mình có vẻ sớm - ở tuổi 42, nhưng không có gì để tiếc nuối. Sau anh là khoảng trống khó bù đắp với những người yêu rock" - nhạc sĩ Tuấn Khanh viết.

    Sự ra đi của thủ lĩnh nhóm Bức Tường ở tuổi 42 vì căn bệnh ung thư trực tràng trưa 17/3 khiến người hâm mộ đau xót. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã gửiZing.vn bài cảm nhận về vai trò quan trọng của Trần Lập với rock Việt mà đến giờ chưa có ai thay thế.

    ’Trần Lập ghi tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam’
    Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định Trần Lập nói riêng và nhóm Bức Tường nói chung có vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của rock Việt. Ảnh: NVCC

    Sự ra đi của nhạc sĩ Trần Lập đem lại thật nhiều cảm xúc. Một thế hệ vàng của nhạc rock Sài Gòn - Hà Nội đã lần lượt từ giã sân khấu, nhưng lại chưa thấy có ai nối tiếp. Ánh đèn và nhịp tim đập khát khao của khán giả vẫn còn đó, nhưng không còn ai thúc họ hát lên, reo vang ở những cao trào.

    Trần Lập và nhóm Bức Tường từng có diễm phúc "tắm" mình trong những cao trào rạo rực ấy! Nhạc rock đã tạo nên những giờ phút tuyệt vời trong ký ức của nhiều thế hệ, và Trần Lập cũng ghi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam là người duy nhất cùng nhóm nhạc của mình đã thực hiện chuyến lưu diễn xuyên Việt trước hàng chục nghìn khán giả.

    Suốt cuộc đời mình, Trần Lập không thỏa hiệp với đời sống âm nhạc thương mại thị hiếu. Trong sự nghiệp của mình, có lúc dừng, có lúc rong ruổi, rock luôn là người bạn trung thành trong suy nghĩ của Trần Lập, không thể thay đổi.

    Năm 2007, khi biên tập cho một ca sĩ ở Sài Gòn, tôi gọi cho Trần Lập để xin phép thực hiện bài hát của anh. Trần Lập nói ngay khi nghe lời đề nghị rằng anh có thể không lấy tác quyền, nhưng nhớ chơi bài Người đàn bà hoá đá là rock. "Nhớ giữ phong cách rock nhé!", Trần Lập nói. 

    Đó là những ngày tháng mà nhạc rock ở Hà Nội vượt biên giới, được ghi nhận bởi các nhà bình luận âm nhạc chuyên nghiệp. Dan Kirk - nhà bình luận âm nhạc người Anh, đã ghi chú về ban nhạc Bức Tường tại liên hoan âm nhạc World Peace Music Awards lần thứ 2 (2004) rằng ông thú vị tìm thấy "5 sinh viên có cùng thiên hướng âm nhạc và cùng đi trên con đường hard rock". Chương trình đó trở thành kỷ lục Guinness với 2 tỷ khán giả từ 40 nước theo dõi các ban nhạc rock trình diễn.

    Dale A.Olsen, tác giả cuốn Popular music of Viet Nam (ấn hành 2008) ghi trong sách của mình rằng nhóm Bức Tường và Trần Lập nổi lên ở Hà Nội như một hiện tượng. Vị giáo sư của trường đại học Florida State University nhận xét về Trần Lập là người biết cách nối truyền thống và hiện đại trong âm nhạc của mình. Tham khảo và nhận định nhiều bài hát của Bức Tường, tác giả so sánh có cái gì đó của nhóm nhạc này giống như The Grateful Dead của Mỹ bởi lối chơi nhạc có sự kết hợp truyền thống và các phong cách đương thời (Popular music of Vietnam, trang 103).

    Trần Lập kết thúc công việc của mình có vẻ sớm - ở tuổi 42, nhưng không có gì để tiếc nuối. Hành trình của anh đi qua là khám phá và đầy những kỷ niệm gắn liền với âm nhạc Việt Nam, khó có một rocker nào có thể bì được. Sau anh sẽ là một khoảng trống khó bù đắp của những người yêu nhạc rock Hà Nội. Khoảng trống đó càng sâu đậm bao nhiêu, thì tên của anh - Trần Lập - lại càng vang lên rõ hơn trong trí nhớ của từng người.

    Theo zing.vn