Thần tượng và nghệ sĩ trong Kpop: Có gì khác biệt?

  •  Kpop có những định nghĩa dành riêng cho thần tượng và nghệ sỹ.

    Là Kpop fan ngày ngày hóng tin tức của các nhóm nhạc, có bao giờ bạn thắc mắc về sự khác biệt giữa thần tượng và nghệ sĩ theo cách đánh giá tại Hàn Quốc? Vì sao những gương mặt gắn mác thần tượng lại không ít lần chịu lép vé, thậm chí là bị xem thường trong những chương trình như "Show Me The Money", "Unpretty Rapstar", v.v..? Hay trên sàn đấu Kpop náo nhiệt nhìn đâu cũng thấy thần tượng, ai mới được "tiêu chuẩn Hàn Quốc" coi là nghệ sĩ? Bài viết này có lẽ sẽ giải đáp phần nào những câu hỏi trên.

    Trước hết phải khẳng định một điều rằng, dù là thần tượng, dù là nghệ sĩ, những tên tuổi đang hoạt động trên đấu trường Kpop đều hết sức tài năng. Không thể phủ nhận chuyện ngoại hình là yếu tố quan trọng với thần tượng (nhất là trong một xã hội trọng hình thức như Hàn Quốc), nhưng thần tượng một khi đã muốn lên sàn sẽ phải trải qua quãng thời gian làm thực tập sinh đầy khắc nghiệt (không đủ tiềm năng dĩ nhiên sẽ bị công ty quản lý bỏ rơi không thương tiếc), sau khi ra mắt rồi thì họ lại hát, nhảy, chụp ảnh thời trang, tham gia chương trình tạp kĩ, lấn sân điện ảnh, v.v... Sao có thể nói thần tượng kém tài khi họ cùng một lúc có thể "hai tay nhiều súng" như vậy?

    Thần tượng và nghệ sĩ trong Kpop: Có gì khác biệt? - Ảnh 1.

     

    Thần tượng và nghệ sĩ trong Kpop: Có gì khác biệt? - Ảnh 2.

     

    Thần tượng và nghệ sĩ trong Kpop: Có gì khác biệt? - Ảnh 3.

    JaejoongJunsu (JYJ) và G-Dragon (Big Bang) là số ít gương mặt đã thoát khỏi mác thần tượng, được nhìn nhận như nghệ sĩ

    Một trong những cách phổ biến nhất để phân biệt thần tượng và nghệ sĩ là khả năng sáng tác được công chúng công nhận. Nghệ sĩ có thể soạn nhạc, viết lời, sản xuất các sản phẩm âm nhạc cho sự nghiệp solo của chính bản thân mình. Trong khi đó, thần tượng không sáng tác hoặc hiếm khi sáng tác, đồng thời trình diễn và quảng bá các ca khúc được giao cùng các thành viên khác trong nhóm nhạc. Một điều kiện khác kèm theo trình độ sáng tác là nghệ sĩ phải có hoạt động solo trên sàn nhạc. Nếu thiếu một trong hai điều kiện này, thần tượng vẫn chưa thể được nhìn nhận như nghệ sĩ.

    Jaejoong, Junsu (JYJ) và G-Dragon (Big Bang) là những tên tuổi hiếm gặp được đánh giá là đã có thể lột bỏ mác thần tượng, vươn tới tầm nghệ sĩ trong làng nhạc Kpop. Trong trường hợp SHINee, nhóm có tới hai thành viên từng tách nhóm đá lẻ là Jonghyun và Taemin, nhưng không như Jonghyun được coi là nghệ sĩ, Taemin dù solo thành công vẫn chỉ là thần tượng bởi anh chàng chưa có ca khúc cộp mác của mình. Hay như thành viên EXO Chanyeol, dù có tập tành sáng tác nhưng chưa từng tách nhóm hoạt động riêng rẽ, nên gắn với anh chàng vẫn là mác thần tượng.

    Thần tượng và nghệ sĩ trong Kpop: Có gì khác biệt? - Ảnh 4.

     

    Thần tượng và nghệ sĩ trong Kpop: Có gì khác biệt? - Ảnh 5.

    Sở hữu giọng hát tốt, Taeyeon (SNSD) và Hyorin (SISTAR) được xếp ở mức ca sĩ, giữa thần tượng và nghệ sĩ

    Ở cách phân biệt này, ngoài thần tượng và nghệ sĩ, khái niệm ca sĩ cũng được đề cập. Yếu tố quyết định một thần tượng có phải ca sĩ đích thực hay không nằm ở giọng hát. Ca sĩ dù không (hoặc ít) sáng tác nhưng có solo, quan trọng nhất là sở hữu chất giọng và khả năng hát hò vượt trội. Taeyeon (SNSD) và Hyorin (SISTAR) là những gương mặt ca sĩ nổi bật trên đấu trường Kpop. Nếu Hyorin gây ấn tượng với solo album "Love & Hate" trong năm 2013, Taeyeon lại gặt hái nhiều thành tích cùng solo album "I" vào năm ngoái.

    Ngoài ra, có thể phân biệt thần tượng và nghệ sĩ dựa theo mức độ tự do thể hiện và mục tiêu hướng đến. Thần tượng thường chịu sự quản lý nghiêm ngặt của công ty quản lý. Khi công ty quản lý đề ra kế hoạch A thì thần tượng dù có hứng thú với kế hoạch B đến đâu cũng khó có thể thực hiện. Cái thần tượng theo đuổi là hình tượng hào nhoáng, hoàn hảo đến từng mi-li-mét trong mắt công chúng, cũng như công chúng muốn gì, họ sẽ xuôi theo hướng đó. Trái lại, nghệ sĩ có thể tự do thể hiện suy nghĩ cá nhân qua các tác phẩm âm nhạc của mình, đồng thời theo đuổi nghệ thuật đích thực, không quá để tâm đến thị hiếu đại chúng.

    Thần tượng và nghệ sĩ trong Kpop: Có gì khác biệt? - Ảnh 6.

    IU dường như đã hành động đúng chất nghệ sĩ, không quá quan tâm đến những lùm xùm quanh ca khúc "Zeze" mà thoải mái bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của mình

    Hồi cuối năm ngoái, "em gái quốc dân" IU từng vướng phải lùm xùm khi ca khúc "Zeze" của cô nàng bị tố liên quan đến chủ đề ấu dâm. Mặc dù vướng phải sự phản đối gay gắt từ dư luận, IU vẫn trình diễn "Zeze" trong concert của mình, đồng thời chia sẻ: "Đây là ca khúc tôi mãi mãi yêu thích". Không bàn đến chuyện nội dung của "Zeze" có thật sự mang ý nghĩa không lành mạnh hay không, nhưng nếu IU chỉ là một ca sĩ thần tượng tách nhóm solo, chắc hẳn sẽ không có chuyện cô nàng ngang nhiên "đổ thêm dầu vào lửa" trong một tình huống như vậy.

    Sau cùng, tuổi tác cũng là một dấu hiệu để phân biệt thần tượng và nghệ sĩ. Những tên tuổi gạo cội hoạt động đã lâu trong làng nhạc sẽ được coi là nghệ sĩ, trong khi những gương mặt mới thì chỉ được coi là thần tượng. Tuy nhiên, cách giải thích này có lẽ không mấy thỏa đáng so với những cách giải thích đã đề cập ở trên.

    Theo  kenh14.vn