Chồng nấu món Việt dở nhưng siêng vào bếp
- Từ khi nào chồng chị - đại gia Đức An - vào bếp nấu ăn cho vợ?
- Lúc mới về chung sống anh An không thích ăn cơm nhà, cũng không thích nấu nướng vì sợ làm... hôi bếp. Khu bếp trong mỗi căn nhà chúng tôi sống đều được trang bị đồ dùng hoành tráng nhưng chỉ để cho đẹp. Tôi rất dễ tính, không nấu nướng thì đi ăn tiệm, vừa được liên tục đổi món, vừa nhàn nhã. Nhưng lâu lâu tôi vẫn thèm những món dân dã đã in đậm vào tâm trí từ lúc nhỏ nên gọi điện về nhờ ba nấu rồi gửi lên. Ở nhà, ba tôi cũng phụ trách nội trợ chứ không phải mẹ.
Ba tôi không thấy phiền khi đứa con gái đã đi lấy chồng vẫn thỉnh thoảng "xin ăn", nhưng ba nấu rất mặn. Anh An lần nào nếm thử cũng la lên: "Em sẽ chết trước anh vì em ăn mặn quá!". Bữa đó, tôi dặn chồng: "Em thèm canh củ cải muối chua nấu sườn, mai anh nhắc em gọi điện để nhờ ba nấu nhé!", anh ấy đáp: "Anh sẽ nấu cho em".
- Món anh ấy nấu có hương vị thế nào?
- Về hình thức cũng giống món ba tôi nấu chừng 60% nhưng nhạt thếch và chẳng ngon gì cả. Sau đó anh ấy dần hứng thú với đồ ăn Việt và bắt đầu chế biến thử mấy món khác. Tôi thèm gì anh ấy cũng tìm cách làm nhưng kho cá mà như nấu canh vì quá nhạt. Chính sở thích thử gia vị và tự nghĩ cách món mới của anh ấy mà mỗi bữa ăn của tôi giống như trò đố vui. Tôi toàn vừa ăn, vừa phải đoán xem đó là món gì. Ôi, ghê ơi là ghê!
- Sau đó, chị điều chỉnh khẩu vị để thấy vừa miệng với các món chồng nấu hay anh ấy học cách nêm nếm đậm đà hơn?
- Chúng tôi đều phải điều chỉnh. Giờ tôi ăn nhạt quen rồi nên thấy các món ba nấu bị mặn. Còn anh An cũng bớt khó chịu khi thấy bếp núc có mùi hoặc dầu mỡ bắn tung tóe. Anh ấy nhận ra rằng bếp hôi thì cọ rửa, mỡ văng ra thì lau chùi, lau không sạch thì sơn lại tường, đâu có sao. Kiểu vậy đó, từ đấy anh ấy vào bếp nấu ăn mỗi ngày mà không bận tâm nhà cửa có sáng bóng hay không.
- Chồng chị thích món Việt hay món Tây?
- Anh ấy thích và nấu món Tây rất ngon nhưng vì lấy vợ quê Cà Mau nên đành nhăn nhó mỗi khi bữa cơm có cá khô và nước mắm. Tôi thích hai món ấy, ăn hàng ngày cũng không chán. Anh ấy chê hôi nên tôi không mời mà ngồi ăn một mình. Khổ nhất là anh ấy không ăn nhưng vẫn phải nhìn tôi ăn.
- Chồng mê món Tây, vợ hợp đồ Việt, vậy thực đơn của gia đình chị được thiết kế thế nào?
- Vợ chồng tôi ăn theo khẩu phần của con gái Bồ Câu. Mỗi tuần, chúng tôi có khoảng 5 ngày ăn món Tây và hai ngày ăn món Việt. Bữa cơm Việt cũng không phong phú mà chủ yếu là cá khô hoặc cá kho vì Bồ Câu chỉ ăn được hai món ấy.
Mỗi ngày đúng 15h, anh An sẽ nhắn tin hỏi tôi "hôm nay ăn gì?". Tôi phụ trách lên thực đơn rồi người giúp việc đi chợ còn anh ấy nấu. Bữa nào tôi không nghĩ ra món muốn ăn thì anh ấy cho ăn gì, tôi ăn đó. Nếu không thích món đó, tôi nhịn đói hoặc kiếm cái khác để ăn chứ tuyệt đối không cố gắng ăn món mình không ưa.
- Tại sao chị không nấu ăn hàng ngày mà lại là anh An?
- Nếu tôi giành cả việc nấu nướng thì anh ấy sẽ khóc mất. Anh ấy sợ nhất là không làm được gì cho vợ mà tôi lại là cô vợ "cái gì cũng làm được". Trước đây anh ấy luôn thắc mắc tại sao tôi không nhờ vả ai bao giờ. Tôi thường tự làm mọi thứ, nếu không làm được thì thuê chứ không thích phiền người khác.
Nếu không bận kinh doanh, chị sẽ làm gì khi mà việc nấu cơm, chăm con đã có chồng lo hết?
- Trong trường hợp không đi làm, tôi sẽ nấu ăn nhưng thực lòng tôi không thuộc tuýp phụ nữ thích quanh quẩn bếp núc. Tôi hợp lao ra đường kiếm tiền hơn.
Một trường hợp khác là cả tôi và anh An đều "về hưu", khi ấy chúng tôi sẽ cùng nấu ăn. Anh An nói lúc đó nhìn hai đứa như tình nhân, vừa làm, vừa tranh thủ hôn nhau nhưng giấc mơ này chỉ có khi gửi Bồ Câu về ngoại. Có con ở nhà, tôi sẽ trông bé trong lúc anh An nấu nướng. Con cái đánh tan mọi sự lãng mạn vì hễ thấy bố mẹ hôn nhau là bé nhào tới tách cả hai ra, thậm chí "la làng" để phản đối. Có lần vợ chồng tôi giả vờ lờ bé đi để tiếp tục ôm thì bé khóc lóc vật vã trông khổ thân vô cùng.
Vợ ’gì cũng làm được’ lại hiếm khi lo nội trợ
- Những người xung quanh nói gì khi thấy đại gia Đức An thay vợ làm những công việc vốn được cho là của phụ nữ?
- Điều này có gì lạ đâu mà người ta phải bàn tán nhỉ? Hơn 30 năm trước khi cả ba và mẹ tôi còn đi làm, ba vẫn nấu ăn, dọn nhà và giặt đồ. Mẹ tôi không biết làm và không làm gì cả. Ba tôi nói đàn ông khỏe mạnh là để gánh vác nhiều việc hơn phụ nữ. Tôi nhìn vào đó để thấy chuyện của mình không khác thường.
- Chị còn chịu ảnh hưởng những gì từ quan điểm hôn nhân của ba mẹ?
- Từ lúc 20 tuổi tôi đã được mẹ dạy: hôn nhân là một trải nghiệm. Mẹ nói nếu thích thì thử lấy chồng cho biết còn không hợp thì chia tay, ôm con về ở với ba mẹ. Theo mẹ, không có chồng cũng vui, người đàn bà độc thân chẳng có gì thiệt thòi. Em gái tôi hiện tại tôn sùng cuộc sống độc thân vì được mẹ hứa cho cả gia sản để sau này sống đời tự do.
- Khả năng nấu ăn của chị giống ba hay giống mẹ?
- Giống ba. Tôi không nấu vì muốn chồng được làm điều anh ấy thích là chăm vợ chứ không phải tôi vụng về. Tôi nấu được các món đồng quê Việt Nam, đặc biệt pha nước chấm rất ngon và biết làm hầu hết các món bánh nhưng chỉ ra tay khi chồng đã "bó tay". Chẳng hạn các món nem, sủi cảo, xíu mại hoặc đồ cần gói, cuốn phức tạp... anh ấy không làm được thì tôi sẽ làm.
- Đại gia Đức An lần đầu biết đến tài bếp núc của vợ trong dịp nào?
- Lúc mới quen, anh An chẳng thấy tôi nấu nướng bao giờ vì bận đóng phim. Vài lần, người bạn thân của tôi nói "lâu quá không được ăn cơm Ù (biệt danh của Phan Như Thảo) nấu" hoặc "Ù làm bánh này, bánh kia ăn đi" nên anh nghe và biết vậy thôi. Cho tới dịp Noel, anh ấy kêu thèm loại bánh trái cây mà tình cờ được ăn khi đi nhà thờ bên Mỹ. Loại đó ngon lắm, nổi tiếng mấy chục năm nên ở Việt Nam kiếm không ra, phải nhờ người xách tay từ Mỹ về. Tôi tò mò nên đòi anh cho xem ảnh chiếc bánh và tìm cách làm. Trời ơi, đúng là khó làm thật, hỏng của tôi ba mẻ bánh mới thành công.
Sau một ngày, tôi thường ngồi đan, thêu, thử công thức nướng bánh mới hoặc làm bất cứ thứ gì khiến tôi vui, còn anh An sẽ chuẩn bị bữa tối, cho Bồ Câu ăn, đưa con đi nhà sách, dọn dẹp đồ chơi của con, rửa bát đĩa... Bởi vậy tôi luôn nói với chồng: "Em sẽ chẳng làm được cái gì nếu không có anh".
Theo Ngoisao.net
PHÒNG THU ÂM FAN STUDIO
Địa chỉ: 407/10b,Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, Tp.HCM
Tel: (08) 6299 7418 | Hotline: 0902 559 066
Email: info@fanstudio.com.vn
Liên hệ online trên facebook: Facebook.com/Fan Studio
Tham khảo thêm:
⇒ Bảng Giá Phòng Thu Âm Chuyên Nghiệp FAN STUDIO
⇒ Hình Ảnh 4 Phòng Thu & Hoạt Động Trên Facebook