Cuối show diễn One Love tại Manchester vừa qua, Ariana Grande trở lại sân khấu với màn solo đầy cảm xúc ca khúc bất hủ “Over the Rainbow”. Đó là một lựa chọn hoàn hảo – một bài hát mà ai cũng biết, ca khúc dành cho mọi lứa tuổi, luôn chứa chan niềm hy vọng, sự lạc quan và khát khao cháy bỏng. Và trong khoảnh khắc ấy, ca khúc đã khiến cả khán giả (ở Old Trafford và trước màn hình) và cả Ariana rơi nước mắt.
Ca khúc hy vọng sinh ra từ bóng tối
Đây không phải lần đầu tiên ca khúc đoạt giải Oscar này đem đến niềm hy vọng và khích lệ cho những ai đang bất hạnh. Từ lúc được viết ra cho bộ phim Wizard of Oz (1939), “Over the Rainbow” đã chứng minh sức ảnh hưởng to lớn, vượt xa một bản nhạc phim. Một phần lý do là vì chính bộ đôi viết nên ca khúc này – Harold Arlen và Yip Harburg – đã trải qua khoảng thời gian cực kỳ khó khăn.
Harburg sinh ra tại New York, trong một gia đình nhập cư gốc Do Thái nghèo khó. Đang dần phất lên nhờ chuỗi cung ứng hàng điện tử, doanh nghiệp của Yarburg trong phút chốc bị thổi bay trong cuộc Đại suy thoái, tước đi của ông mọi thứ ngoại trừ sự khôn ngoan và tài năng viết lách đầy hứa hẹn. Ông kể với the New York Times: “Những nhà tư bản đã cứu tôi năm 1929, cứ như là chúng tôi đáng giá cỡ 250,000 đô ấy. Rồi: Đoàng! Tất cả mọi thứ nổ tung. Tôi chẳng còn lại gì ngoài cây bút và buộc phải viết để trang trải cuộc sống... Cái mà mọi người gọi là suy thoái ấy mà, đã cứu sống tôi đấy!”
Bản hit đầu tiên của ông, “Brother Can You Spare a Dime?” là lời than oán cay đắng của một gã vô gia cư không có việc làm, nhưng sở trường của Harburg là ở lời ca hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. “Trong những bài hát của chúng tôi, chúng tôi hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn, nơi có cầu vồng rực rỡ.” Ông từng nói. “Thật không may, thế hệ của tôi chưa từng thành công khi xây dựng thế giới rực rỡ ấy, nên không thể giao lại cho các bạn được. Nhưng chúng tôi sẽ truyền lại những bài hát, với niềm hy vọng và tiếng cười giữa quãng thời gian u tối.”
Bản thu đặc biệt của Judy Garland
Vào thời điểm ca khúc “Over the Rainbow” được viết và phát hành, sự hoang mang mang nhen nhóm bởi sự trượt dốc trên thị trường tài chính, rồi bởi các gia đình phải ly tán do chiến tranh thế giới thứ II. Một bản thu âm đặc biệt bởi Judy Garland và dàn nhạc Tommy Dorsey được gửi đến những người lính Mỹ như một lời hứa hẹn về quãng thời gian tươi sáng sắp tới. Bà cũng từng biểu diễn trực tiếp cho các binh đoàn vào năm 1943.
Phiên bản của Garland sau này trở thành tuyên ngôn của cộng đồng LGBT, hình ảnh “cầu vồng” trùng với màu cờ tung bay trong các buổi tuần hành Pride, và cụm từ “friend of Dorothy” (người bạn của Dorothy) nhanh chóng trở thành từ ngụ ý cho đồng tính nam. Giọng hát mỏng manh, run rẩy thể hiện sự hy vọng mong manh trong thời gian đen tối, đồng thời là khát vọng những thứ tốt đẹp cuối cùng sẽ đến.
Nhưng không chỉ có phiên bản của Judy Garland, nhiều nghệ sĩ khác đã thành công khi cover lại bài hát, từ Willie Nelson, Rufus Wain đến dàn diễn viên trẻ của Glee. Ca khúc này thậm chí được NASA dùng để đánh thức các phi hành gia, những người thực sự đã đi qua cầu vồng. Ca khúc còn được thu âm bởi dàn hợp xướng Sandy Hook Elementary và Igrid Michaelson, nhằm xoa dịu nỗi đau từ vụ xả súng vào trường học năm 2012.
Phiên bản đậm chất Hawaii của Israel Kamakawiwo’ole
Có lẽ bản cover nổi tiếng nhất gần đây thuộc về ca sĩ người Hawaii, Israel Kamakawiwo’ole. Phiên bản này được nam ca sĩ chơi một cách “tưng tửng” đầy ngẫu hứng với cây ukulele, trong một đêm muộn năm 1988 – một phiên bản đầy mê hoặc, vừa gần gũi, vừa giản dị. Nhưng phiên bản này chỉ trở thành hit 10 năm sau đó với hơn 5 triệu bản được bán ra trên toàn cầu, một phần là nhờ được sử dụng trong các TV show như ER.
Israel cũng là một nhà hoạt động về chủ quyền của người Hawaii. Ngoài cover “Over the Rainbow”, anh còn biểu diễn nhiều ca khúc thể hiện tình yêu và khát khao nâng cao vị thế của quê hương. Phiên bản này của anh thể hiện phẩm chất kiên cường dù dưới áp lực nặng nề và giọng ca đầy phấn khởi của anh đã trở nên quen thuộc trong những giây phút trọng đại nhất đời người, từ sinh nhật, đến đám cưới và... cả đám ma.
Bản hit cuối cùng của Eva Cassidy
Không chỉ giúp xoa dịu những sự kiên thảm họa chấn động thế giới, “Over the Rainbow” còn mang đậm chất cá nhân qua phiên bản acoustic hết sức mộc mạc của Eva Cassidy. Cô ấy hát như thể đã chờ đợi sự cứu rỗi từ lâu nhưng vẫn bám lấy một niềm hy vọng mong manh nào đó.
Dù được thu âm lần đầu vào năm 1992, phiên bản này chỉ trở nên nổi tiếng vào năm 2000, khi được Terry Wogan phát sóng trong chương trình Radio buổi sáng. Cái chết của Eva 2 năm trước do ung thư càng khiến phiên bản này, vốn đã đầy dằn vặt, nuối tiếc, càng trở nên lay động hơn. Sau cái chết của Eva, bộ sưu tập Songbird của cô đã bán được với số lượng lớn tại Anh và Châu Âu, không chỉ bởi người ta đồng cảm với sự mất mát trong câu chuyện của cô, mà còn là bởi phẩm giá và giọng ca như xé lòng vậy.
Thành công gói gọn trong một từ
Và tất cả những cảm xúc đã được viết thành lời ca và giai điệu. Ernie, con trai Yip Harburg, đã gói gọn thành công của ca khúc chỉ trong một từ. Anh nói: “Đó là câu chuyện của một cô gái nhỏ muốn thoát ra. Cô bé đang gặp rắc rối và cô ấy muốn đi đến một nơi khác. Cầu vồng là thứ màu sắc duy nhất cô ấy thấy ở Kansas. Và cô ấy muốn đi qua cầu vồng. Nhưng rồi, bố tôi đã đưa một thứ gì đó vào trong câu chuyện, biến nó thành bài hát. Ông nói, ‘And the dreams you dare to dream really do come true’ (Và ước mơ bạn dám mơ ước, chắc chắn sẽ trở thành sự thực). Bạn thấy không? Từ ‘dám’ đặt vào đây, một từ hoàn hảo, và nó nhen nhóm lòng can đảm trong lòng mọi người nhiều thế hệ về sau.”
PHÒNG THU ÂM FAN STUDIO
Địa chỉ: 243 Tô Hiến Thành, P.13, Q.10, Tp.HCM
Tel: (08) 6299 7418 | Hotline: 0902 559 066
Email: info@fanstudio.com.vn
Liên hệ online trên facebook: Facebook.com/Fan Studio
Tham khảo thêm:
⇒ Bảng Giá Phòng Thu Âm Chuyên Nghiệp FAN STUDIO
⇒ Hình Ảnh 4 Phòng Thu & Hoạt Động Trên Facebook