Những khác biệt thú vị của Vpop ngày ấy - bây giờ

  •  Phong cách âm nhạc đa dạng, lời bài hát gắn liền với đời sống hàng ngày, nở rộ các cuộc thi, giải thưởng... là những khác biệt cơ bản của Vpop hiện tại với 10 năm trước.

    Vpop những năm cuối thập niên 90, đầu 2000 vẫn thường được nhắc đến như thời kỳ hoàng kim nhất. Hơn 10 năm sau, mọi thứ của làng nhạc đã thay đổi gần như chóng mặt. Cùng khám phá những nét thay đổi cơ bản nhất của làng nhạc trẻ 10 năm trước với thời điểm bây giờ:

    Xu hướng, dòng nhạc

    Dòng nhạc pop chiếm ưu thế chủ đạo trong làng nhạc Việt khoảng 15 năm trước. Làn sóng diva và các ca sĩ thị trường ăn khách khắp mọi miền cũng được sinh ra vào thời điểm này. Dù là diva hay ca sĩ trẻ, nhạc pop lãng mạn vẫn là xu hướng chính trong việc phát hành đĩa nhạc, bài hát của các ca sĩ ngày ấy.

    Ngoài ra, bên cạnh các ca khúc thuần Việt, nhiều ca sĩ đã gây được chú ý và thành công trong sự nghiệp với chuỗi MV cổ trang cùng những bản nhạc Hoa, nhạc Thái... Vào thời điểm này, các ca khúc nhạc Hoa lời Việt, đặc biệt là những bản nhạc phim truyền hình rất ăn khách. Không ít các bài hit khủng của thời ấy và được yêu mến đến tận bây giờ đều được chào đời theo công thức nhạc ngoại, lời Việt như 999 đóa hồng, Ảo mộng tình yêu, Kiếp ve sầu…

    Đan Trường là một trong những ca sĩ nổi lên bằng các ca khúc nhạc Hoa lời Việt.

    Những năm gần đây, với sự tấn công ồ ạt của làn sóng Kpop, Vpop bị ảnh hưởng khá nhiều, nhất là khi các ca sĩ trẻ không ngần ngại chọn phong cách âm nhạc cũng như xây dựng hình ảnh tương tự với các ngôi sao của xứ kim chi.

    Về dòng nhạc, bên cạnh pop vẫn là chủ đạo, các thể loại rap, R&B, nhạc điện tử, world music… cũng dần định hình được khá rõ ràng và chất lượng nhờ những nhân tố trẻ và có tư tưởng hiện đại như Suboi, Kimmese, Hoàng Tôn, Mr T, Tiên Cookie, Toàn Thắng… Chính họ, đã tạo nên những sắc màu rất riêng biệt cho làng nhạc, cùng thế hệ nghe nhạc 9X, 10X.

    Ngoài ra, kể từ khi luật về bản quyền được thông qua cộng thêm sự tinh ý của cư dân mạng, các ca khúc nhạc ngoại lời Việt gần như không còn đất sống. Đạo ý tưởng MV, đạo trang phục, đạo vũ đạo... cũng khó lòng thoát ra khỏi tai mắt của các cư dân mạng nhạy bén, hiểu biết.

    Kimmese chọn hướng đi riêng với dòng nhạc rap.

    Tình yêu trong âm nhạc

    Nhạc tình yêu luôn được khán giả ưa chuộng bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, nếu tình yêu đôi lứa trong các sáng tác của thời kỳ trước chỉ là những lời thổ lộ vu vơ như “Nếu anh nói anh vẫn chưa yêu, là thật ra anh đang dối mình” (Trái tim chưa ngủ yên) hay “Nhiều lần ngập ngừng muốn ngỏ ý, tiếng yêu đương sao không thành câu” (Tình đơn phương)...

    Giờ đây, những lời ngỏ ý cũng mạnh dạn, táo bạo hơn, kiểu như "Yêu anh đi em... anh không đòi quà” (Anh không đòi quà), “Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi” (Mình yêu nhau đi) được ưa chuộng hơn do đánh trúng tâm lý của khán giả trẻ, đặc biệt là những người… độc thân.

    "Hay mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh".

    Giải thưởng

    Những giải thưởng như Làn Sóng Xanh, Mai Vàng khoảng 10 năm trước luôn được khán giả trông chờ, bởi thời bấy giờ, việc có một chương trình được đầu tư và quy tụ dàn sao khủng, cùng nhau cống hiến những màn trình diễn hấp dẫn là rất hiếm hoi. Các fan muốn bình chọn cho thần tượng cũng phải vất vả viết tay từng lá phiếu nhỏ rồi gửi đến đơn vị tổ chức.

    Giải thưởng Làn Sóng Xanh trong những năm đỉnh cao.

    Khi những giải thưởng cũ dần mất đi giá trị ban đầu của mình bởi những lùm xùm về tính trung thực cũng như không còn tạo được sự khác biệt với các giải thưởng khác, những cuộc bình chọn mới lần lượt xuất hiện như Zing Music Awards (online), Yan Vpop (truyền hình)... Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian để các giải thưởng này định hình được chỗ đứng của mình.

    Cuộc thi âm nhạc

    Cuộc thi ca nhạc lớn duy nhất được tổ chức trong những năm đầu làTiếng hát truyền hình, sau đó có thêm Sao Mai điểm hẹn. Cả hai cuộc thi này đều đã tìm ra được không ít những nhân tố mới cho làng nhạc Việt như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn...

    Vietnam Idol mở ra thời kỳ phát triển dồn dập của các chương trình truyền hình thực tế.

    Những năm gần đây, chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát lên ngôi mạnh mẽ. Kể từ khi Vietnam Idol được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 rồi kéo theo The Voice, Ngôi nhà âm nhạc, X-Factor...Nhiều tài năng, ngôi sao đã được tìm thấy qua các sân chơi này như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Bảo Anh… Dù vậy, hệ quả cũng đang được hình thành. Từ từng khiến khán giả say mê như điếu đổ, các cuộc thi âm nhạc truyền hình với những vấn nạn chung như ít tài năng, nhiều scandal... cũng đang khiến người xem dần ngán ngẩm.

    Phát hành sản phẩm

    Thời kỳ trước, các sản phẩm băng đĩa nhạc được tiêu thụ rất chạy. Mức độ thành công cũng được dựa vào số lượng sản phẩm mà từng cái tên có thể tiêu thụ. Cũng vì lý do này mà kẻ thù không đội trời chung của ca sĩ và nhà sản xuất chính là các đầu nậu đĩa chép.

    Những ca khúc được yêu thích cũng được chuyền tay nhau bởi những bản chép tay vào vở học sinh đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đặc biệt là với những ai thuộc thế hệ cuối 8x, đầu 9x. Các quyển sổ có lời nhạc cùng hình những ca sĩ được yêu thích được bày bán trong các cửa tiệm cũng là những món đồ đáng mơ ước.

    Hình thức phát hành thông qua các trang nghe nhạc trực tuyến đang dần thay thế và áp đảo thị trường.

    Đến lúc Internet dần trở nên phổ biến, để tránh tình trạng thất thoát cũng như dễ dàng tiếp cận với khán giả, phương pháp phát hành album online trên các trang web nghe nhạc trực tuyến dần được các ca sĩ chọn lựa. Chỉ những ca sĩ thật sự tự tin với lượng khán giả trung thành, mới dám phát hành đĩa nhưng cũng chỉ in với số lượng hạn chế.

    Lúc này, những quyển sổ chép nhạc cũng dần trở thành dĩ vãng khi chỉ cần một cú click chuột tìm kiếm, tất cả thông tin về ca khúc cũng như ca sĩ trình bày được cung cấp một cách đầy đủ nhất.

    Theozing.vn