Lê Cát Trọng Lý và lời dẫn dụ của một kẻ say

  •  Lê Cát Trọng Lý mộng mơ và yêu cái đẹp; cô không đi tìm sự hoàn hảo nhưng vẫn đầy tự tôn trên con đường âm nhạc cô đã chọn.

    Dreamers - Những kẻ mộng mơ là đĩa nhạc mang tính concept mạnh nhất trong 3 album đã phát hành của Lê Cát Trọng Lý. Đĩa nhạc giống như lời giải mộng của một cô gái Tuổi 25 về tất cả những chuyện trên trời dưới đất. 

    Lê Cát Trọng Lý và lời dẫn dụ của một kẻ say
    Lê Cát Trọng Lý.

    Ở đó, cô liên tục đưa ra những câu hỏi về khởi nguyên của loài người, của thực tại hôm nay, của ước mơ - hoài bão và về tình yêu. Tất cả được xếp lại theo một tuyến tính như chiều dài của đời người, từ vũ trụ bao la khôn cùng rồi níu xuống những mộng mơ của 1 người trần mắt thịt cụ thể, đi sâu vào bản thể với những suy tư rất riêng.

    Dù quá nửa là những sáng tác cũ nhưng với những bản phối mới, người nghe vẫn cảm thấy được một không khí mới mẻ, như thức tỉnh khi bình minh vừa sang. Nghe tôi kể này mở đầu cho album và mở ra một cõi mơ. Những câu ca mời gọi “Xin hãy đến đây, tôi kể cho nghe, câu chuyện...”... Khác với version cũ với nhịp điệu buông thõng, bản phối mới nghe tiết tấu và tươi vui hơn nhiều. Đó là lời dẫn dụ của một kẻ điên, một kẻ say với chính cuộc đời.

    Ngay sau đó, Lê Cát Trọng Lý bắt đầu làm cái việc mà cô đặt ra trong album: một người giải mộng. Nhanh nhanh quá là khúc nhạc với tiết tấu nhanh, kéo dài chỉ 2 phút với chuyện sinh tử của một người. Đó là cách giải thích về khởi nguyên của loài người trong Cười Adam với Adam - Eva, rồi kéo về với căn tính Việt Nam với Lạc Long Quân, Âu Cơ... giống như một lời xưng tội. Trong khi đó Nghèo gợi lên cuộc sống quẩn quanh, bế tắc của những người trẻ với những lý tưởng, khát khao nhưng lại sống nghèo nàn, tù túng.

    Những ca khúc của Lê Cát Trọng Lý tự tình và mang tính gợi hơn là kể chuyện. Tuy nhiên, Con đường Santiago lại là một câu chuyện dài về con đường đi đến ước mơ. Phỏng theo câu chuyện Nhà giả kim của tác giả Paulo Coelho về chàng chăn cừu Santiago đi tìm kho tàng, cô như muốn kể câu chuyện của niềm tin và đam mê đi đến cùng một con đường. Chen lẫn những đoạn kể chuyện là những khúc nhạc của một kẻ du mục. 

    Cô kết lại: "Chuyện ai cũng trên đường đi kiếm kho tàng trong tim mong bình yên". Và kho tàng đó, có gì khác ngoài bình yên.

    Âm nhạc không còn quá trúc trắc mà mềm mại, nhẹ nhàng hơn là điều dễ thấy nhất trong CD này. Nhất là ở những track phía sau của album với lối hòa âm dìu dặt, lảnh lót với tiếng piano lẩn khuất.

    Lê Cát Trọng Lý và lời dẫn dụ của một kẻ say
    Lê Cát Trọng Lý là kẻ mộng mơ yêu cái đẹp.

    Không chỉ hát nhạc chính mình sáng tác rất hay, Lê Cát Trọng Lý còn nắm được cái thần của những ca khúc của nhạc sĩ khác. Cô từng rất trong trẻo trong Hôm nay tôi nghe (Trịnh Công Sơn), chan chứa trong Cơn bão nghiêng đêm (Thanh Tùng)... Trong Dreamers đó là bản nhạc Đôi bờ - dìu dặt và khoan thai của tiếng đàn guitar và giọng ca như một kẻ mộng du lang thang trên cánh đồng.

    Dreamers - Những kẻ mộng mơ không phải là một album phòng thu bởi những kỹ thuật về mặt sản xuất gần như vắng bóng. Vì thế, âm thanh “nổi” rõ và giọng hát cũng thật hơn. Khác với sự “thiếu hoàn hảo” trong các bản nhạc, bìa đĩa lại được thiết một cách kỳ công và có phần... quá đà.

    Tôi mang thắc mắc này hỏi Lý. “Liệu có phải chị là người duy mỹ”, Lý cười như đang đuổi theo ý nghĩ nào đó rồi trả lời “Mình yêu cái đẹp, mình là người duy mỹ”. Tôi hỏi tiếp “Nhưng những bản nhạc trong Dreamers đều rất mộc và không phải hoàn hảo như cái vỏ (ý bìa đĩa) của nó”. Lý vẫn cười và nói: “Album này không mang đến sự hoàn hảo, tất cả được thu mộc mạc với những tạp âm”. Cô nói thêm: “Tôi yêu cái đẹp nhưng không phải hoàn hảo”.

    Lê Cát Trọng Lý là một người mộng mơ và yêu cái đẹp. Cô không đi tìm sự hoàn hảo nhưng vẫn đầy tự tôn trong âm nhạc của riêng mình. 

    Dù nhiều khán giả mong chờ Lý sẽ hát dòng nhạc nhiều thể nghiệm hơn như Worldmusic/EDM nhưng cô quả quyết: “Mọi người thích nhưng mình không thích. Mình cũng không có ý định theo đuổi dòng nhạc đó".

    Âm nhạc nhuốm màu tự sự và có phần bất tuân cảm xúc của số đông nhưng đời sống của Lê Cát Trọng Lý là một Vui Tour. Chính vì thế, âm nhạc của cô chảy theo một dòng riêng. Dreamers có lẽ ra đời là vì thế. Những người đợi một Lê Cát Trọng Lý mới mẻ và thể nghiệm hơn thì cô lại chọn làm điều mà cô tin và cô thích như câu hát của chính mình: “I-care vẫn bay về phía mặt trời/ Tình yêu đâu dễ di thê”.

    Dẫu sao, Những kẻ mộng mơ vẫn chuyên chở được giấc mơ của người này, người nọ, khiến họ được đồng cảm với những chiêm nghiệm và là lời giãi bày của một người rảnh rỗi để suy tư - như Lý từng chia sẻ ở đâu đó.

    Theo zing.vn