Ở tuổi 72, Khánh Ly vẫn rất chú ý tới hình ảnh. Bà trang điểm cẩn thận, mặc một chiếc áo dài và khoác khăn quàng rực rỡ, mỗi tay đều đeo vòng và nhẫn ngọc. Trên cổ có một dây chuyền với hai chiếc nhẫn cưới giản đơn lồng vào nhau. Giọng ca gốc Hà Nội bảo, sau khi chồng mất, bà tháo nhẫn cưới của hai người ra vào đeo chúng lên.
Không ai có thể ghen với tình cảm của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn
Tuy nhiên với Khánh Ly, việc đeo nhẫn cưới lên cổ không phải là cách để bà thấy chồng luôn hiện diện bên mình. Bà bảo, bà luôn có cảm giác chồng và Trịnh Công Sơn ở cạnh. "Nhà Phật nói câu rất hay: Những gì mắt không nhìn thấy, lòng không đau. Tôi không nhìn thấy Trịnh Công Sơn nằm trong áo quan. Tôi cũng không nhìn thấy chồng khi người ta kéo ác xác. Tôi chỉ giữ hình ảnh đẹp nhất của họ khi còn sống".
Khánh Ly bảo, bà từng sợ báo giới cho đến khi cưới người chồng thứ ba là một nhà báo.
Ảnh: Kiều Thuận |
Nhiều người thấy Khánh Ly như hồng nhan tri kỷ của Trịnh Công Sơn thì cho rằng giữa họ có đoạn tình nào đó. Tuy nhiên Khánh Ly khẳng định cái tình của bà với Trịnh Công Sơn lớn hơn tình vợ chồng, nó là tình gia đình, tình cha con chứ không phải tình đôi lứa. Chính vì thế, bà cho rằng, những người phụ nữ của Trịnh hay người đàn ông của bà không ghen mà nếu có ghen cũng không dám thể hiện ra. "Tình cảm vợ chồng có lúc còn gãy đổ vì chưa chắc đã ăn đời ở kiếp với nhau. Tình yêu đôi khi chỉ một - hai năm đầu. Anh em cũng dễ khúc mắc. Nhưng tôi với Trịnh thì không hề xảy ra chuyện gì cả, là bởi vì giữa hai người là tình cha con, không ai có thể lên án hay xuyên tạc" - bà cười.
Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ hai người rất thân thiết nhau đến mức khi ông cưới, Khánh Ly từng đến bá vai cô dâu và nói: Đáng ra vị trí này của tôi chứ không phải của cô. Hỏi bà, bà thẳng thắn: "Tôi không nhớ tôi nói câu đó. Nếu phải thân lắm cũng mới dám nói câu đó. Thực ra Nguyễn Ánh 9 cũng chỉ coi tôi như một thằng đàn ông, không thể có chuyện gì. Mà với tôi khi yêu là phải đoạt cho bằng được. Không thể có chuyện yêu là đứng bên cạnh cuộc đời. Thành ra trong cuộc đời tôi tôi yêu quý trân trọng nhiều người nhưng không phải ai tôi cũng yêu. Như nhà Phật nói, tôi chôn người nào người đó mới là chồng tôi".
Với người bà đã chôn - nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, dù ông đi nhưng bà vẫn còn tiếc mãi. Nỗi tiếc đó ngày càng lớn. Bà thấy mình không phụ ông nhưng chưa đủ lòng yêu với chồng. Vì thế bà muốn nhắn gửi tới mọi người: Yêu nhau yêu hết lòng mình đi, đừng giữ lại gì hết. Yêu không phải kiểu ăn dè, miếng ngon để lại sau cùng. Hãy ăn miếng ngon trước, nếu không sẽ không có thời gian.
Với hai người chồng đầu, Khánh Ly bảo, không thể nói bà yêu hay ghét họ, duyên số chỉ đến thế thôi. Nợ nhau trả hết thì thôi nhưng có những món nợ trả rồi mà vẫn canh cánh trong lòng. Bà là người có đời sống riêng lận đận. Trịnh Công Sơn cũng trải qua không ít lần thất tình. Tuy nhiên, cách chia sẻ của họ khá đặc biệt - chỉ im lặng ngồi cạnh nhau. Bà kể, nhiều khi hai người ngồi tiếng đồng hồ này qua tiếng đồng hồ khác. Với cả hai, những giây phút còn được ngồi bên nhau là đáng quý, đáng trân trọng, dù không làm gì, chỉ để gió cuốn đi.
"Những nỗi buồn đó, nếu từ trong gia đình của ông Sơn tôi không có quyền can thiệp. Nếu ông buồn vì yêu, tôi cũng không làm cách nào giải quyết được. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về đời sống cũng như quyết định của mình, không tựa vào ai cả", bà lý giải.
Không ai đòi Khánh Ly tiền tác quyền nhạc Trịnh
Có lần, nhân bàn về chuyện Diễm cuối của Trịnh Công Sơn, người ta nhắc đến chuyện Khánh Ly chỉ trả cho cố nhạc sĩ 1.000 USD (ông trích nửa số tiền này đưa Diễm cuối đi may áo dài). Dân yêu nhạc Trịnh xôn xao vì những gì Khánh Ly nhận được từ Trịnh Công Sơn quá nhiều nhưng tiền tác quyền bà gửi lại quá bèo bọt. Khánh Ly thẳng thắn rằng, giữa bà và Trịnh Công Sơn không có vấn đề tác quyền. Trịnh Công Sơn cho Khánh Ly quá nhiều và Khánh Ly trả một nửa cuộc đời cho Trịnh Công Sơn. "Tôi đã đóng góp bằng mồ hôi, nước mắt. Tôi không thản nhiên đi trên hoa gấm, nhung lụa. Tôi thật vất vả khi giữ được nhạc ông Sơn cho đến bây giờ. Tôi một đời trả không hết ơn Trịnh Công Sơn thì nói tác quyền để làm gì", bà trần tình.
Khánh Ly tham gia đêm nhạc "Trịnh Công Sơn - 15 năm đường xa vạn dặm" tối 2/4 ở Hà Nội như một cách tưởng nhớ người mà bà biết ơn suốt đời.
Ảnh: Kiều Thuận |
Gia đình Trịnh Công Sơn chưa ai nói ra miệng tại sao chị không trả tác quyền cho anh tôi, vì họ biết những gì Khánh Ly làm. Việc Trịnh Công Sơn chấp nhận Khánh Ly tới phút chót cũng đủ hiểu Khánh Ly đã làm ông hài lòng. Bản thân Khánh Ly thấy bà chưa làm gì sai với Trịnh.
Khánh Ly cũng kể, bà thường mua quà để tặng ông, với ông được tặng một cái hoa thôi là đủ. Không cần đưa nghìn này nghìn kia cho ông bởi ông có biết tiền là gì đâu? Lần đầu gọi được điện thoại đường dài từ Mỹ về Việt Nam, giá mỗi phút gần tới 300 USD, lúc ấy, số tiền này rất lớn mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cũng chỉ dùng để hỏi nhau những câu: Anh Sơn khỏe không/Mai khỏe không? Ngay cả việc gác máy cũng đùn đẩy nhau mãi.
Lần đầu tiên Khánh Ly gặp lại Trịnh Công Sơn sau khi sang hải ngoại là tại Pháp, năm 1982. Hai người tình cờ đến Paris, ông ở Nhà Việt Nam còn bà đi tour. Hai bên đều khóc. "Ban đầu đều muốn mà không dám gặp, nhưng sau cùng anh nói: Anh đi nửa vòng trái đất mà chẳng lẽ không gặp được em? Mà bây giờ không gặp thì bao giờ mới gặp? Tôi nghe anh nói câu đó là thôi, tôi kệ luôn. Ai muốn nói gì thì nói, tôi vẫn quyết đến gặp anh. Tất nhiên có cả bạn bè, có Michiko, cô gái người Nhật định lấy Trịnh" - bà hồi tưởng.
Năm 1997, Khánh Ly về Việt Nam lần đầu cùng chồng. Vì muốn bất ngờ nên không báo trước nhưng hóa ra ông biết tường tận bà về giờ nào, ở khách sạn nào. Trước khi Trịnh Công Sơn mất vài tháng, Khánh Ly đến gặp, tiên đoán được ngày ông đi không còn bao xa nữa. "Mình đau vì từ nay mình không được nắm tay người đó, không được ngồi cạnh người đó nhưng nếu nghĩ dù anh đi khỏi đời sống này nhưng vẫn ở cạnh mình, lòng nhẹ lắm. Nhiều năm sau này nhìn lại Trịnh Công Sơn vẫn trẻ như thế. Hoa nở sáng chiều tàn nhưng chúng ta vẫn thích một bông hoa thật chứ không phải hoa nilon", Khánh Ly tâm sự.
Sau này, mỗi ngày mất của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly chẳng làm gì. Bà chỉ nói với chồng: Hôm nay là ngày giỗ ông Trịnh Công Sơn. Cũng như khi chồng mất, bà chỉ thắp nhang và xin lễ. Bởi đúng như bà đã nói ở trên, hai người đàn ông ấy chưa bao giờ mất đi, vẫn đang ở bên cạnh mình.
Không giữ giọng, chỉ giữ eo
Khánh Ly bảo, bà không học nhiều, không có bằng cấp gì trong đời sống nhưng học qua sách vở, học ở cuộc đời, học cái hay của mọi người và lấy cái hay của cuộc đời làm kim chỉ nam cho mình để sống thế nào cho đúng. Với Trịnh Công Sơn, bà học được tấm lòng. "Trịnh Công Sơn làm đầy thêm tấm lòng của mình, nặng hơn tấm lòng của mình nhưng lại nhẹ hơn đôi cánh của mình. Tôi bay được đi xa, đi lâu, không hờn giận, thù oán ai trong đời sống này", bà bộc bạch.
Với Khánh Ly, hạnh phúc bây giờ là được xẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Ảnh:Kiều Thuận |
Khánh Ly mất bố khi mới bốn tuổi. Có lẽ vì vậy mà bà bảo tình cảm của bà với Trịnh Công Sơn cũng như tình cha con. Hai người đàn ông ấy đều có công trong việc ươm tình yêu âm nhạc trong lòng Khánh Ly. Bố Khánh Ly từng chơi măng-đô-lin và hát rất hay. Khánh Ly được bố hát cho ngheChiều vàng từ hồi mới 2 tuổi. "Bố tôi không hề nghĩ tại sao lại hát cho con bé bài buồn như thế. Người ta nói hát cho trẻ con bài buồn thì vận vào người. Tôi nghe nhạc từ nhỏ nên sau này tôi chỉ có thể hát. Ngoài ra tôi không làm được gì. Ngay cả một con tính tôi cũng không làm được", bà lại cười.
Khánh Ly cũng không giấu chuyện không biết luyện thanh, chỉ có giọng hát bản năng không qua trường lớp. Nếu bắt bà luyện thanh đều trật hết. Bản thân bà còn không biết giữ giọng. Bà hút thuốc lá, thức khuya, uống thuốc ngủ, uống thuốc nhịn ăn. Bà quan niệm, chất giọng là trời cho nhưng eo là do mình tạo ra. Mình không làm cho mình, mình làm cho khán giả, phải chú ý từ cái áo, tấm khăn, luôn chỉn chu với mọi người.
Lần về Hà Nội này, Khánh Ly tiếc không được gặp những người mà Trịnh Công Sơn yêu như Văn Cao, Nguyễn Tuân... mà gần nhất là Thanh Tùng. Bà ân hận vì mỗi lần về đều bận rộn làm việc, không bận, hát thì đi lễ, đến viện mồ côi. Cứ định rồi các lần định đều trễ. Bà cho rằng, quan trọng là đối xử với nhau lúc sống, giờ Thanh Tùng mất rồi, lên báo khóc thương chẳng có ý nghĩa gì. "Tôi đang nhờ bạn bè chỉ cho tôi những nhạc sĩ nào chơi với Trịnh để tôi đến thăm. Các nhạc sĩ là người tạo nên tên tuổi nghệ sĩ, tôi phải mang ơn. Đến lúc nào đó các nghệ sĩ đều mất nhưng bài hát còn ở lại. Diva, nữ hoàng không thể tự mình làm nên, không thể ra đường hét lên mà thành danh", Khánh Ly suy tư trước khi kết thúc câu chuyện của mình.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939-1/4/2001) được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc Việt Nam. Hiện nay chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc), phần lớn là tình ca.
Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly.
Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ không chuyên.
Năm nay, kỷ niệm 15 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, tại Hà Nội và TP HCM cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước đều có những hoạt động tưởng nhớ ông.