Album ấp ủ 3 năm của Hồng Nhung sẽ được tung trên 36 trang nhạc quốc tế

  •  Phố à phố ơi - một album đặc biệt mà Hồng Nhung ấp ủ hơn 3 năm được thu thanh trọn vẹn trong những ngày mùa thu vừa qua, đã chính thức gửi đến khán giả như một lời tri ân chân thành vì tình cảm và sự chờ đợi dành cho nữ diva.

    Ekip cho biết “không phát hành CD trên các trang online Việt Nam vì vấn đề bản quyền” và sẽ đăng tải trên Itunes cùng 36 trang nhạc quốc tế.

    Album gồm 11 tác phẩm âm nhạc được Hồng Nhung tuyển chọn đựa trên những câu chuyện kể về Hà Nội xưa và nay được chính Hồng Nhung viết nên để gửi gắm những tâm tư, tình cảm của một người con sinh ra, lớn lên và đã xa Hà Nội luôn mang theo trong mình hình ảnh đẹp nhất, thân thương nhất về tuổi thơ và quê hương.

    Bên cạnh những ca khúc đã nổi tiếng với sự thể hiện lần đầu tiên của Hồng Nhung như Cây vĩ cầm, Đêm nằm mơ phố, Phố cổ,... album còn giới thiệu các tác phẩm mới viết về Hà Nội được sáng tác dựa trên chính những kỷ niệm thời thơ ấu của cô với Hà Nội như Phố à phố ơi, Cây bàng của cha(Lưu Hà An), Về với đông, Phố thu (Vũ Minh Tâm), Thư Hà Nội (Nguyễn Vĩnh Tiến),… hay như 2 ca khúc Tôi xưa nay Hà Nội (Vũ Cát Tường), Lời thú tội (Thanh Bùi - Dương Khắc Linh) được chính Hồng Nhung biên soạn phần lời ca.

    Đặc biệt, trong album này, ca sĩ Hồng Nhung lần đầu tiên phát hành bản ghi âm chính thức của ca khúc Giấc mơ tôi (My Dream) do chính cô sáng tác nhạc và lời. Đây cũng là bài hát nhận rất nhiều sự yêu mến của khán giả khi cô mang đi trình diễn thời gian qua.

    Thời gian để Hồng Nhung và nhạc sĩ Hoài Sa thực hiện album là trọn vẹn 3 năm.

    Màu sắc âm nhạc chủ đạo là semi-pop cùng một chút âm điệu hiện đại của electro, nhạc sĩ Hoài Sa trong vai trò người dẫn dắt đã “vẽ” lên những bản hoà âm đẹp và giàu tình cảm.

    Trích đoạn chia sẻ của Hồng Nhung về album:

    “Có nỗi vấn vương cho quãng giao thời giữa một Hà Nội xưa và một Hà Nội nay. Nhiều người luyến tiếc, nhưng tôi thì không. Bởi tôi đã ôm ấp ký ức quê hương trong tâm hồn mình, sẽ chẳng bao giờ phai nhạt, rồi hoà vào dòng người đông đúc đang xoay vần sự chuyển mình tất yếu của một thành phố được hiện đại hoá mỗi ngày. Làm sao tránh khỏi bụi khó, tiếng ồn… khiến ngơ ngác những mảnh đời đã gắn vào bức tranh của những “phố à, phố ơi”, khắc khổ dáng cây bàng cong, lấp lánh bóng mặt hồ, chấp chới cánh sâm cầm, ngạt ngào mùi hoa sữa,…

    Đã từ lâu, Hà Nội không chỉ để dành riêng cho người Hà Nội, cả trong đời sống thật và trong thơ ca, mà mới đây thôi, còn cứ vang lên nghèn nghẹt tiếng loa phường mỗi sáng khi còn tờ mờ hơi sương. Ấy là tiếng hát của chính tôi, mà không biết đã làm cho bao người choàng dậy khỏi giấc ngủ còn ngon say buổi sớm (?!) Ôi dào ơi!

    “Em vẫn đạp xe ra phố

    Anh vẫn tìm âm thanh mới…”

    May quá, loa phường đã tắt!

    Thay vào đó,

    “Hà Nội giờ nắng khan, chói chang, khói bụi mờ

    Tìm người giữa muôn lối quanh, phố càng đông…”

    Giữa muôn vàn vận chuyển ngược xuôi, vẫn trầm ngâm những hàng cây cổ thụ nghiêng bóng cả. Quê hương chở che, nâng cho tôi hát giấc mơ bay, vượt lên những khúc quanh của số phận, lâng lâng theo tiếng sáo diều, đến với nơi chân mây của cái đẹp trong sáng.

    Tôi hát bao nhiêu cũng không đủ cho quê hương tôi - cũng là chốn đất lành để bao người tìm đến. Có món quà nào hơn thế, khi “quê hương đã cho tôi trái tim để yêu!”.”