Mối tình non nớt của cậu bé 8 tuổi và ảo vọng "Lá Diêu Bông"

  •  Ca khúc Việt Nam phổ thơ là chuyện thường tình, rất nhiều, không kể hết. Một bài thơ được hai nhạc sĩ phổ nhạc rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bài thơ được 3 nhạc sĩ chiếu cố càng hiếm.

     hoàng cầm

    Nhà thơ Hoàng Cầm, nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu đầy tiếc nuối với chị Vinh

    "Lá Diêu Bông" là một trong những bài thơ như vậy. Bài thơ của thi sĩ tài hoa Hoàng Cầm từng được 3 cái tên gạo cội trong làng nhạc phổ lời. Thế nhưng, ca khúc này cũng lắm truân chuyên khi không chỉ được dư luận quan tâm thời mới ra mắt, chuyện tình lá diêu bông cũng từng là niềm trăn trở day dứt trong trái tim nhạy cảm của thi sĩ Hoàng Cầm.

    Ca khúc dựa trên chính chuyện tình dở dang của Hoàng Cầm, khi ông chỉ mới là một cậu bé… 8 tuổi. Thời ấy, cậu học trò Bùi Tằng Việt (sinh năm 1921) từ nơi trọ học trở về nhà ở Bắc Ninh thì tình cờ cậu gặp một thiếu nữ hàng xóm 16 tuổi. Cô gái tên Vinh khiến cậu cảm giác không chỉ mình đã biết yêu, mà còn yêu say đắm nhan sắc và nét dịu dàng của cô gái “váy Đình Bảng buông chùng”.

    Rung cảm trước tình cảm thiết tha thật dễ thương đó nơi một cậu em thật bé, tâm hồn người thiếu nữ đã khởi lên một tình yêu thăng hoa đầy thánh hóa. Nhưng rồi mùa Xuân có giới hạn thời gian, người thanh nữ phải xuất giá ở tuổi 20 khi nhà thơ tương lai Hoàng Cầm của chúng ta mới tròn 12 tuổi.

     phạm duy

    Nhạc sĩ Phạm Duy, người đầu tiên phổ nhạc cho ca khúc "Lá Diêu Bông"

    Chôn chặt hình ảnh lãng mạn đầu đời đó mãi đến năm 1959 thì bài thơ “Lá Diêu Bông” mới ra đời. Chuyện tình yêu Hoàng Cầm tiết lộ sau câu chữ như đã cứu với linh hồn đang khô hạn của nhạc sĩ Phạm Duy. Lập tức ông bắt tay vào việc xây dựng một mối tình đơn phương bằng giai điệu.

    Người đưa ra ca khúc này đến với khán giả sớm nhất đó là nhạc sĩ Phạm Duy với cái tên “Lá Diêu Bông”. Mặc dù câu chuyện tình yêu gốc đã bị Phạm Duy thay đổi khá nhiều, tuy nhiên vì lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên thế nên bài hát vẫn được mang tên “Lá Diêu Bông”. Thời đầu ra mắt, ca khúc được chính nhạc sĩ Phạm Duy quảng bá rầm rộ với những mỹ từ tài hoa. Tiếc thay không lâu sau đó, khi làn sóng của truyền thông qua đi, “Lá Diêu Bông” cũng dần đi vào lãng quên và quá khứ.

    Người yêu nhạc đã không thể cảm được thứ âm nhạc diễn giải một chuyện tình dài dòng cao siêu của chính nhạc sĩ Phạm Duy, khi mà bản thân bài thơ đã quá nhiều tầng nghĩa ẩn dụ. Người đưa bài thơ này đến đỉnh cao âm nhạc có lẽ phải nhắc đến một bậc “tiểu bối” của cây đa cây đề Phạm Duy - nhạc sĩ Trần Tiến.

    trần tiến

    Và người đưa "Lá Diêu Bông" đến với độc giả giản dị nhất là Trần Tiến

    Đầu thập niên 90, bài hát cuả Trần Tiến ra đời. Đó là thời kỳ nở rộ của “Lá Diêu Bông” ở trong nước và hải ngoại. Mặc dù ca khúc của Trần Tiến không có tên “Lá Diêu Bông”, thay vào đó là một câu trách của chính tác giả “Sao em nỡ vội lấy chồng”.

    Lúc đó, Hoàng Cầm được vinh danh và Trần Tiến thêm rạng rỡ. Nếu gọi Phạm Duy là "Vua của giai điệu" thì Trần Tiến là "Phù thủy của giai điệu”. Vua đã có ngai với một gia tài nhạc khúc lộng lẫy, đồ sộ nhất Việt Nam thì Phù thủy có một loạt những ca khúc với tiết tấu, giai điệu, ca từ, ý tưởng dí dỏm, lạ kỳ, độc đáo, tình tứ, thâm thúy... rất dân tộc nhưng không kém phần hiện đại.

    Nhạc của Phạm Duy hay hơn nhưng tương đối khó hát trong khi nhạc của Trần Tiến rất gần gũi dân ca và dễ hát hơn. Đặc biệt, ca từ của “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến lại trung thành với cảm quan của cô Vinh và cậu bé Việt. Một tình yêu thời thơ ấu và lớn dần cho đến khi cả hai đều đã có vợ chồng. Cái khác lạ nhưng đó là điểm chính, tạo sự thành công là Trần Tiến đã xây dựng một nội dung gần như khác hẳn bài thơ.


    phạm duy

    Nhạc sĩ Phạm Duy đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm 

    Có lẽ vì thấy bài hát cuả mình khai sinh trước đó nhiều năm, không ai “thăm hỏi” nên Phạm Duy ấm ức lên tiếng: "Ở hải ngoại, con trai tôi (Duy Quang) là người đầu tiên thu thanh bài hát này vào băng nhạc. Tôi không hiểu, và cũng chẳng cần hiểu có phải vì bài Lá Diêu Bông của tôi soạn ra từ 7, 8 năm về trước, mà bây giờ đã có thêm Trần Tiến phụ giúp tôi trong việc vinh danh một nhà thơ bị bỏ quên…”.

    Bài hát cũng khiến người hâm mộ có cái nhìn khác hẳn về nền âm nhạc thời điểm đó. Trần Tiến nhỏ tuổi hơn nhưng không phải vì thế mà kém cỏi. Về phương diện nghệ thuật thì tài năng là quyết định, tuổi tác chỉ là thứ yếu. Điều đó đã được minh chứng rõ rệt qua ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng” của ông.

    trần tiến

    Trần Tiến - "Phù thủy của giai điệu"

    Một nghệ sĩ thứ 3 cũng từng phổ nhạc bài thơ này, đó là nhạc sĩ Nguyễn Tiến – “Chuyện tình lá diêu bông”. Thiệt thòi của Nguyễn Tiến đó là sự nghiệp không danh tiếng, rực rỡ như Trần Tiến và Phạm Duy. Mặc dù vậy, riêng với “Chuyện tình lá diêu bông”, khán giả đón nhận ông nhiều hơn vì một ca khúc được phổ nhạc đậm chất dân ca. Đây là lý do vì sao trong cả 3 ca khúc về“Lá Diêu Bông” thế nhưng chỉ có 2 cái tên được nhớ đến là “Sao em nỡ vội lấy chồng” và “Chuyện tình lá diêu bông”.

    Trong 3 ca khúc phổ nhạc trên, bạn thích bài nào nhất?

    Theo tinnhac.com

     


    PHÒNG THU ÂM FAN STUDIO

    Địa chỉ: 243 Tô Hiến Thành, P.13, Q.10, Tp.HCM

    Tel: (08) 6299 7418 | Hotline: 0902 559 066

    Email: info@fanstudio.com.vn

    Đặt lịch online:

     Liên hệ online trên facebook: Facebook.com/Fan Studio


     Tham khảo thêm:

    ⇒ Bảng Giá Phòng Thu Âm Chuyên Nghiệp FAN STUDIO

    ⇒ Hình Ảnh 4 Phòng Thu & Hoạt Động Trên Facebook

    ⇒ Các Dịch Vụ Đa Dạng & Đặc Biệt Tại FAN STUDIO

    ⇒ Các Bản Thu Âm Mới

    ⇒ Giọng Ca Hàng Tuần Tại FAN STUDIO